Dạo quanh một vòng các trang tuyển dụng, hay giới head hunter, thì hiện tại BrSE đang là một trong những vị trí được nhiều công ty IT săn đón và khá ưu ái với mức đãi ngộ tương đối tốt so với các ngành nghề khác. Nếu như bạn đang làm trong ngành IT (thiên về kỹ thuật), hoặc bạn đang làm trong lĩnh vực ngôn ngữ Nhật (giáo viên, biên phiên dịch, IT comtor), mà muốn thử sức với công việc này, thì đây sẽ là bài viết dành cho bạn. Trong bài này, mình sẽ cung cấp cho các bạn một bức tranh tổng quan về các yếu tố cần thiết của BrSE, cũng như cung cấp ví dụ về lộ trình để trở thành một BrSE.
Với ai muốn tìm hiểu khái niệm nghề BrSE, các bạn có thể tìm kiếm ở Viblo với từ khoá BrSE, hoặc tham khảo bải viết này hoặc bài viết này.
Tổng quan các kỹ năng cần thiết của BrSE
Để dễ hiểu, mình đã tóm tắt lại và trực quan hoá các bộ kỹ năng này bằng một hình ảnh dưới đây.
Độ "sâu" | Các mục | Nội dung |
---|---|---|
1 | Kỹ năng cơ bản của người đi làm | Các kỹ năng cơ bản cần thiết để có thể làm việc với đa dạng người nơi công sở hoặc ngoài xã hội |
1 | Tiếng Nhật thương mại | Tiếng Nhật trong lĩnh vực thương mại, và quy tắc ứng xử kinh doanh (business manner) ở Nhật Bản |
1 | Năng lực tiếng Nhật JLPT | Kỳ thi xác định năng lực tiếng Nhật cho người nước ngoài |
1 | Tiếng Nhật IT | Kiến thức hoặc kỹ năng IT bằng tiếng Nhật |
1 | Kiến thức cơ bản | Kiến thức IT cơ bản, ví dụ kì thi FE |
1 | Agile/Scrum | Một trong những phương pháp quản lý dự án |
1 | Quản lý task | Tạo task, giao task, kiểm tra xem task hoàn thành chưa |
1 | Quản lý tiến độ | Quản lý, điều chỉnh tiến độ |
2 | Lập trình | Lập trình |
2 | Thiết kế hệ thống | Tạo Specification cho hệ thống/phần mềm |
3 | Khả năng điều chỉnh văn hoá | Thấu hiểu các sai khác văn hoá, từ đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh |
3 | Thấu hiểu văn hoá Nhật | Thấu hiểu thường thức (common sense) của Nhật Bản và tập quán kinh doanh |
3 | Tạo Spec | Tạo file spec cho hệ thống bằng tiếng Nhật |
3 | QA | Quản lý chất lượng hệ thống |
3 | Estimation | Tính toán thời gian, chi phí cho việc phát triển hệ thống |
3 | Khả năng điều chỉnh dự án | Năng lực để thay đổi phạm vi (scope), chi phí, thời gian, nhân sự của dự án |
Để trở thành một kỹ sư cầu nối, bạn sẽ cần 4 vùng kỹ năng cốt lõi: Tiếng Nhật, Kỹ năng IT, Kỹ năng Quản lý, Kiến thức và kỹ năng về thương mại (business) giống như 4 vùng màu sắc khác nhau trong hình chữ nhật trên. Các vòng elip nét đứt là tập hợp các kỹ năng xoay quanh 4 lõi này, các kỹ năng cùng trên một vòng elip tức là có cùng một mức độ. Theo đó, càng đi xa khỏi tâm hình chữ nhật, các mức độ kỹ năng sẽ càng cao lên, tương đương với cấp độ của BrSE càng cao, thành thạo.
Ở mức độ đầu tiên (Junior BrSE), ta cần Năng lực tiếng Nhật cho vùng Tiếng Nhật. Thông thường, công việc này đòi hỏi tối thiểu tiếng Nhật ở mức độ JLPT N2 hoặc tương đương, đặc biệt cần có sự đồng đều ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ở vùng Kỹ năng IT, bạn cần trang bị cho mình Kiến thức cơ bản trong ngành này. Đó có thể là kiến thức Tin học đại cương, thể hiện thông qua việc bạn học ở Cao Đẳng, Đại học chuyên ngành IT, hoặc một số chứng chỉ kiến thức cơ bản như IT Passport, FE v.v.. Tiếp theo là vùng quản lý, với các kỹ năng cơ bản về quản lý công việc, quản lý tiến độ. Vùng Kinh doanh với bộ kỹ năng cơ bản của người đi làm. Ở vùng đường chéo sẽ là những kỹ năng giao thoa giữa hai miền lĩnh vực. Tiếng Nhật + Kinh Doanh, ta có Tiếng Nhật thương mại. Tiếng Nhật + IT, vậy cần tiếng Nhật chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ năng tạo tài liệu IT tiếng Nhật. Giao thoa của vùng Quản lý và kỹ năng IT là một số phương pháp quản lý dự án phần mềm, mà Agile là một trong những hướng tiếp cận mà nhiều công ty dần áp dụng. Ở level 1, có lẽ chưa cần một kỹ năng gì kết hợp giữa Kinh doanh và Quản lý.
Tiếp theo là mức độ cao hơn, tạm gọi là Senior BrSE. Ở mức độ này, các yêu cầu đòi hỏi đi vào sâu chất lượng hơn. Phần kỹ năng IT, bạn cần biết lập trình, biết thiết kế hệ thống. Ngoài ra, cần kỹ năng về đảm bảo chất lượng (QA), ước tính công việc để tạo báo giá cho khách hàng (estimation); khả năng hiểu về business của khách hàng kết hợp với quản lý tiến độ để có thể điều chỉnh, lèo lái dự án; cũng như thấu hiểu văn hoá Nhật - Việt, điều chỉnh văn hoá hai phía (team dự án và khách hàng) để giảm thiểu ảnh hưởng của khác biệt văn hoá, thậm chí tận dụng nó để dự án trơn tru hơn.
Tiếp theo, mình sẽ liệt kê một vài bước và đầu mục để đạt các kỹ năng trên nhé mọi người.
Xác định mình đang ở đâu:
Để đi tới đích, điều tiên quyết đó là bạn phải biết mình đang ở đâu. Hãy thử dành ra 5 phút, để đánh giá những kỹ năng của bản thân mình theo 4 bộ kỹ năng trên, rồi trực quan hoá bằng Radar Chart nhé.
Dưới đây là vì vụ về hai trường hợp khá điển hình về xuất phát điểm của:
- Một người chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Nhật với vốn tiếng Nhật tốt, hiểu biết cơ bản về Kinh doanh, nhưng lại yếu về IT và kỹ năng quản lý.
- Ngược lại, biểu đồ sau là của một developer rất giỏi về công nghệ, nhưng chỉ mới chập chững ở 3 kỹ năng còn lại
Còn bạn, bạn đang ở đâu?
Xác định mục tiêu
Sau khi biết được vạch xuất phát của mình rồi, các bạn hãy lập ra bảng mục tiêu của mình nhé. Hãy chia nhỏ mục tiêu theo các khoảng 3 tháng, 6 tháng, dựa vào thế mạnh của mình. Nhớ là, không nhất thiết phải thành thục tất cả 4 kỹ năng đâu, bởi năng lực và thế mạnh của mỗi người khác nhau. Ngay lập tức, đừng quá áp lực với hình tượng một người BrSE hoàn hảo, tay trái code ầm ầm, tay phải quản lý dự án nhoay nhoáy, tiếng Nhật bắn liên hồi như người bản xứ, tư vấn công nghệ, giải pháp, phân tích kinh doanh... Cứ từng bước một thôi.
Lộ trình skill-up
Tiếng Nhật:
MUST: Như nói ở trên, tối thiểu các bạn phải đạt được mức độ tương đương N2, đồng đều ở nghe, nói, đọc, viết; có thể trình bày quan điểm rành mạch (viết, nói), tốc ký, tóm tắt ý chính, confirm nội dung v.v..
BETTER: Tiếp theo đó, mình cũng cần có tương đối về tiếng Nhật thương mại và tiếng Nhật chuyên ngành IT.
- Tiếng Nhật thương mại: tìm hiểu thêm các sách vở, khoá học về kính ngữ, giao tiếp trong thương mại, một số các business manner trong doanh nghiệp Nhật. Muốn sâu hơn, có thể tìm hiểu, tham dự kỳ thi BJT (Business Japanese Proficiency Test)
- Tiếng Nhật IT: có thể tìm các cuốn しごとの日本語 IT業務編, các cuốn ôn luyện FE, đọc chuyên mục công nghệ của các báo tiếng Nhật.
Kỹ năng IT
MUST: Kiến thức cơ bản ngành IT. Nếu bạn có chuyên ngành IT, có thể bỏ qua phần này. Ở đây mình dành cho đối tượng non-tech.
-
Kiến thức IT tương đương kỳ thi FE (có thể giải thích được bằng tiếng Nhật). Nếu FE khó quá có thể bắt đầu từ chứng chỉ IT Passport. Nên học bằng tiếng Nhật, và thi chứng chỉ. Các kỳ thi này cung cấp nền móng kiến thức về IT, cũng như tư duy trong ngành này cho mình. Về nội dung có thể hơi dàn trải, và không áp dụng trực tiếp ngay khi làm việc. Nhưng CẦN THIẾT. Và nếu có chứng chỉ thì ứng tuyển trái ngành IT sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
-
Kiến thức thực hành cơ bản viết script, HTML/CSS/JS: Có rất nhiều trang học cơ bản (thậm chí miễn phí), mình gợi ý các bạn dùng trang progate với diễn giải cho người bắt đầu từ con số 0, cực kỳ dễ hiểu, trực quan, vui.
-
Quy trình làm việc với Git
-
Thao tác thiết kế UI cơ bản (vẽ wireframe)
BETTER:
- Thành thạo một ngôn ngữ lập trình bất kỳ: Nên đăng ký một khoá học online hoặc offline một cách nghiêm túc. Hình thức bootcamp sẽ phù hợp với các bạn không mạnh về khả năng tự học.
- Có khả năng review source code của người khác
- Có khả năng thiết kế hệ thống
- Có khả năng test (thủ công và tự động)
- Biết về kiến trúc server
Quản lý
MUST
-
Hiểu tổng quan về chu trình phát triển phần mềm
-
Biết tổng quát các phương pháp quản lý dự án
-
Trang bị mindset về quản lý dự án:
- PMBOK 7th Edition 2021
- Kiến thức về quản lý dự án theo hướng Agile, một hướng đang rất trending hiện nay. Tham khảo cuốn Agile Project Management For Dummies và Scrum Guide
-
Sử dụng một số các phần mềm quản lý task: Asana, Trello, Jira ...
BETTER
- Nếu có điều kiện thì đăng ký các khoá học về quản lý dự án
- Chứng chỉ Professional Scrum Master level I
- Chứng chỉ PMI Agile Certified Practitioner (PMI-ACP)
- Không chỉ là chứng chỉ, mà còn là kỹ năng thấu hiểu bản chất, và vận dụng trong thực tế
Kinh doanh
Về "kỹ năng cơ bản cho người đi làm" xét trong bối cảnh doanh nghiệp Nhật Bản, mình cần hiểu các yếu tố trong đó là gì, và cố gắng trau dồi cho bản thân.
(nguồn: https://www.meti.go.jp)
Trong đó, mình tạm dịch:
- Ba góc nhìn chính:
- Làm sao để năng động, cống hiến được (Mục đích)
- Học cái gì (Học tập): Liên tục học tập không ngừng
- Làm sao để học (Tổng hợp): Kết hợp đa dạng các trải nghiệm, kinh nghiệm, năng lực, nghề nghiệp
- Ba năng lực chính và 12 yếu tố
- Năng lực hướng về phía trước: tính tự chủ, khả năng làm việc, khả năng thực hành
- Năng lực suy nghĩ thấu đáo: khả năng phát hiện vấn đề, khả năng lên kế hoạch , khả năng tưởng tượng
- Khả năng làm việc nhóm: khả năng phát ngôn, khả năng lắng nghe, khả năng linh hoạt, khả năng nắm bắt thông tin, khả năng kỷ luật, khả năng kiểm soát stress
Phần này thuộc kỹ năng mềm, nên cũng rất khó để nói là làm như nào. Có chăng là mình tìm hiểu các tài liệu trước, và cảm nhận, học hỏi trong môi trường công sở của mình sẽ tốt hơn.
Khác:
Phần này là một số kỹ năng ngoài 4 mục trên, thiên về phần "kỹ năng văn phòng" nhiều hơn, nhưng mọi người cũng tham khảo qua nhé.
- Sử dụng các internet browser (Chrome, Firefox..) với các dịch vụ cloud như Google docs, spreadsheet, slide, miro, v.v..
- Kỹ năng trình bày tài liệu: trực quan hoá, kể chuyện bằng biểu đồ
- Kỹ năng tiến hành cuộc họp: chuẩn bị, dẫn dắt cuộc họp, đảm bảo nội dung, thời lượng, lưu lại biên bản cuộc họp
- Các tool họp hành online: Google Meet, Zoom, Microsoft Team v.v..
- Suy nghĩ logic, khả năng teaching, coaching
- Tư duy cầu tiến (Open mindset)
- ...
Một tips nữa là, bạn không cần phải chuẩn bị hết tất cả những thứ trên đâu. Cứ chuẩn bị những thứ tối thiểu, bắt đầu làm việc trong môi trường IT với các vị trí khác nhau (IT comtor, Developer, Tester ...) rồi vừa học vừa làm. On Job Training sẽ là con đường nhanh nhất để thụ đắc kỹ năng, kinh nghiệm.
Kết
Đọc đến đây chắc bạn đang hơi choáng ngợp vì khối lượng những thứ mình phải học và chuẩn bị đúng không? Có những kỹ năng "cứng" chỉ cần chăm chỉ cố gắng là học được, nhưng cũng có những kỹ năng mềm ko phải dễ dàng tự lĩnh hội. Không sao, cứ bền bỉ từng bước nhỏ, rồi sẽ đến đích thôi.
Vậy là mình gợi ý cho bạn một vài điểm để làm rõ ràng hơn lộ trình tiến tới mục tiêu trở thành kỹ sư cầu nối. Đây là góc nhìn cá nhân mình, mang tính chất tham khảo, chứ không phải là con đường duy nhất. "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome" mà!
Cũng không có cái áo nào vừa cho tất cả mọi người. Bạn, và chỉ bạn hiểu mình ở đâu, và mình nên làm gì! Mạnh mẽ lên, tôi tin bạn sẽ làm được!